8/30/2013

CÁCH XỬ THẾ NGƯỜI XƯA



Xưa, có một chú học trò được dịp lên phố chơi. Nhằm ngày chợ phiên, một vụ mất cắp xảy ra tại quán trọ, chú học trò liền bị quan huyện bắt nhốt vì người ta ngờ chú là thủ phạm.
Sau khi trải qua những thủ tục tra hỏi phiền phức, quan huyện tìm ra thủ phạm chính, chú học trò được trắng án ra về.
Khi về làng, gặp lại vị thầy dạy học, chú nhỏ tức tưởi kể lại tự sự, bộc bạch nỗi hàm oan của mình.
Ông thầy im lặng nghe xong câu chuyện, nghiêm nghị ra lệnh đánh đệ tử mười roi phạt. Đương sự rất ngạc nhiên, nhưng không dám cãi lời thầy, riu ríu leo lên bộ phản nằm chờ trận đòn mà lòng hoang mang vô kể.
Các bạn chú thấy thế, ngạc nhiên thưa:
-          Thưa thầy, trò này vô tội sao lại bị đòn?
Ông thầy từ tốn giải thích:
-          Đành rằng nó vô tội, nhưng tại sao giữa phố chợ đông đảo chỉ mình nó bị tình nghi là kẻ cắp? Ta đánh đây là phạt cái tội nó có bộ vó của thằng ăn cắp để cho người ta nghi ngờ. Nếu nó không chỉnh đốn tư cách lại, ta e rằng nó sẽ bị hàm oan nhiều lần nữa.

8/21/2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN PHẬT GIÁO - BA CÂU HỎI CỦA ĐỨC VUA


BA CÂU HỎI CỦA ĐỨC VUA
Thuở xưa, có một vị vua thuộc vào hàng minh quân, ngài thương dân như con đẻ, nhưng dù là minh quân, ngài vẫn không sao tránh được một ít lỗi lầm đáng tiếc.
Lúc tuổi đã cao, nhà vua nghĩ rằng giá mà thời niên thiếu, ngài được các bậc hiền tài chỉ dẫn cho ba điều thắc mắc sau đây thì có lẽ ngài sẽ tránh được rất nhiều khuyết điểm.Đó là những nghi vấn sau:
1.       Thời gian nào là quan trọng nhất của một công việc?
2.       Nhân vật nào cần chú ý nhất đối với ta?
3.       Công việc nào là tối quan trọng và khẩn thiết nhất?
Đức vua cho nêu ba câu hỏi trên trước hoàng thành, truyền rao khắp các thị trấn, làng mạc … và hứa sẽ trọng thưởng cho người nào có lời giải đáp khôn ngoan nhất. Bố cáo vừa được niêm yết thì các bậc hiền tài tuấn kiệt, thạc học minh triết lũ lượt kéo nhau về kinh thành, mỗi người đưa ra một ý kiến. Triều đình phải thành lập một ban giám khảo, các quan thị làng làm việc tận lực suốt hai tháng liền mới đúc kết các khuynh hướng thiên sai vạn biệt thành một vài trường phái nhất trí và dâng lên đức vua, vị chánh chủ khảo tối cao cả nước.
Đáp lại câu hỏi đầu tiên, có người bảo rằng: muốn biết thời gian nào là quant trọng nhất của một công việc, người ta phải thiết lập chương trình, kế hoạch, thời dụng biểu hẳn hoi. Xong, ta sẽ thực hành diễn tiến công việc theo những thời điểm quy định sẵn đó…
Nhưng ý kiến này liền bị nhà vua bác bỏ vì không có ai có thể tiên đoán được những điều sẽ xảy ra mà lập thành một khuôn mẫu sẵn, công việc đòi hỏi phải linh động mới được.
Có trường phái lại cho rằng một người không thể khôn ngoan hơn tập thể. Đức vua nên thành lập một nội các gồm nhiều đại biểu để soạn thảo kế hoạch trước khi thi hành và làm theo quyết định chung.
Một trường phái khác lại đề nghị đức vua cần thành lập một hội đồng tiên tri để xủ quẻ trước khi thực thi một công việc…
Như thế, đại để mọi người đồng ý với nhau rằng: Thời gian quan trọng nhất của một công việc là thời gian chuẩn bị, suy nghĩ về công việc ấy.
Về câu hỏi thứ hai, người ta càng bất đồng ý kiến với nhau: Thượng Đế, Đức vua, quan tể tướng, các giáo sĩ, bốc sư… được đề nghị là những nhân vật quan trọng nhất.
Câu hỏi thứ ba cũng được giải đáp trong một tình trạng tương tự - công việc nào phải được xem là quan trọng nhất – thưa: đó là việc nước, việc nhà, việc ăn, việc mặc, học hành, giao tế, tâm linh, hành chánh, kinh tế, quân sự hay tôn giáo… các đề mục đều được các khối óc khôn ngoan tinh tế nhất đề cập tới.
Và vị chánh chủ khảo tức là nhà vua ấy không chấp nhận câu giải đáp nào cả. Nhiều năm trôi qua, ba câu hỏi dần dần rơi vào quên lãng… Cho đến một hôm, nhà vua nghe đồn rằng trên đỉnh núi phủ nhiều mây nọ, có một đạo sĩ coi là bậc giác ngộ, nhưng vị chân tu này không bao giờ chịu hạ sơn để giao tiếp với các nhà quyền quí. Tiếng đồn về đạo sĩ khiến nhà vua chú ý và một hôm, ngài quyết định cải dạng thường dân đến tham vấn vị ẩn  tu.
Đến nơi, nhà vua gặp đạo sĩ đang cuốc đất. Vua vái chào và nêu lên ba câu hỏi. Đạo sĩ chỉ mỉm cười, đưa tay vỗ nhẹ nhà vua rồi tiếp tục công việc. Đã được báo trước về tánh khí lạ lùng của vị đạo sĩ , nhà vua không nản lòng, ngồi xuống một tảng đá chờ đợi. Hồi lâu, buồn tay, đức vua mời đạo sĩ nghỉ tay, trao cuốc cho nhà vua làm giúp. Nhiều giờ trôi qua, đức vua vẫn xới đất, còn đạo sĩ thì nhổ cỏ quanh quẩn bên lều tranh. Khi đôi tay vương giả bắt đầu chai phồng, đức vua ngừng cuốc nghỉ mệt giây lâu và nói với đạo sĩ:
-          Tôi từ xa lặn lội đến đây, cầu Thầy chỉ giáo cho ba điều nghi vấn. Nếu Thầy biết thì xin vui lòng chỉ dẫn cho. Bằng không cũng xin cho tôi biết để tôi trở về kẻo tối.
Đạo sĩ mỉm cười định nói câu gì đó, thì chợt cả hai người cùng nghe tiếng chân chạy dồn dập. Nhà tu bảo đức vua:
-          Bác xem ai đến kìa!
Nhà vua quay lại thì thấy một người vừa ngã quỵ xuống đất, toàn thân nhuộm máu. Hai người già không ai bảo ai, đều hối hả đến bên người bị nạn. Nạn nhân chỉ còn thở thoi thóp. Vua phụ lực với đạo sĩ băng bó các vết thương… Hai người im lặng làm việc cho đến lúc ngừng tay thì mặt trời đã lặn ở đỉnh núi bên kia. Đưa nạn nhân vào thảo am đặt người bệnh trên chiếc chõng tre độc nhất của  căn lều, họ chia nhau mấy củ khoai rừng luộc và vì quá mệt, đức vua ngả mình xuống nền đất thiếp đi.
Sáng hôm sau, khi nhà vua giật mình thức giấc thì nắng đã nhuộm hồng chiếc thảo am, và chim rừng kêu rộn rã. Đức vua phải bàng hoàng hồi lâu, mới nhớ rõ mình đang ở đâu và làm gì… Đạo sĩ đã đi làm vườn, sau khi đặt một rổ khoai luộc bên cạnh ông khách. Trên chõng tre, nạn nhân đã hồi tỉnh và đang nhìn đức vua với cặp mắt long lanh. Đức vua đến bên người bệnh, đặt một bàn tay lên vầng trán nóng như lửa của anh ta và cất tiếng hỏi thăm bệnh tình… Nạn nhân bỗng òa lên khóc:
-          Xin bệ hạ tha tội cho ngu thần…
Vô cùng ngạc nhiên, đức vua hỏi:
-          Khanh là ai mà lại biết Trẫm?
-          Bệ hạ không biết thần đâu! Hạ thần chính là em trai của võ tướng Trần Đoàn, người bị bệ hạ giết oan trong mùa thu năm Tân Dậu. Thần đã thề trước linh cữu anh là sẽ giết bệ hạ để báo thù… Biết bệ hạ lên núi này, thần mai phục sẵn. Không ngờ, đợi đến tối mà bệ hạ vẫn chưa xuống núi, thần liền đi tìm… và bị trợt chân té xuống triền núi. Nếu không nhờ bệ hạ ra tay cứu chữa thì có lẽ thần đã mất mạng. Từ đây oan cừu xin giải hết… Thần cúi mong bệ hạ tha tội chết cho thần.
-          Câu chuyện đáng tiếc năm xưa đã làm ta hối tiếc không nguôi… Nhưng việc đã dĩ lỡ rồi Trẩm không biết tính sao. Bây giờ chẳng những Trẩm sẽ tha tội cho khanh  mà Trẩm còn phục hồi chức tước và chu cấp cho gia đình Trần Đoàn nữa. Khanh hãy yên tâm mà tịnh dưỡng đi.
Đức vua ra hiệu gọi vệ sĩ đến, cho khiêng nạn nhân xuống núi và vời ngự y chăm sóc vết thương. Sắp xếp đâu đó xong xuôi, vua đi tìm đạo sĩ. Nhà tu đang lúi húi trồng rau trên luống đất mới cuốc hôm qua. Đức vua ngỏ ý cáo từ và nhắc lại ba câu hỏi:
-          Xin đạo sĩ giải đáp cho.
Nhà tu mỉm cười:
-          Bần đạo đã trả lời cho bệ hạ rồi.
Đức vua ngạc nhiên:
-          Thưa, hồi nào đâu?
-          Ngay lúc bệ hạ vừa nêu câu hỏi.
-          !??
-          Này nhé, thời gian nào là thời gian quan trọng nhất, đó là lúc bệ hạ cuốc đất giúp bần đạo.Nếu thiếu khoảng thời gian này thì bệ hạ đã chết về tay anh chàng kia rồi nhé. Nhân vật quan trọng nhất chính là bần đạo đây, quan trọng đến mức bệ hạ phải trèo non lội suối đi tìm, có phải không? Và câu thứ ba: “Công việc nào cần thiết nhất?” – Thưa, đó là cuốc đất, việc mà hai chúng ta đã làm ngày hôm qua…
-          Rồi sau đó khi chàng thanh niên xuất hiện thì anh ta biến thành nhân vật quan trọng nhất, công việc cần thiết nhất là cấp cứu cho anh ta, và thời gian đó quan trọng nhất… Có phải thế không nào?
Nhà vua cúi đầu ngẫm nghĩ giây lâu, cất tiếng:
-          Thưa đạo sĩ, Trẩm đã hiểu. Thời gian quan trọng nhất là thời gian hiện tại. Nhân vật cần thiết nhất là người mà ta cần gặp gỡ trong hiện tại, và công việc khẩn thiết nhất, cũng là công việc trong hiện tại… Quá khứ là những điều đã qua vĩnh viễn, vị lai chỉ là những ảo tưởng mơ hồ… Chỉ có khoảnh khắc ngắn ngủi trong hiện tại là quí nhất mà thôi.
-          Những điều cần làm nhất là giúp đỡ những người chung quanh ngay trước mắt ta trong giây phút ngắn ngủi quí giá đó… Thưa, có phải thế không ạ?
Đạo sĩ mỉm cười, và nụ cười đó thay lời tống biệt, đưa nhà vua xuống núi, nơi mà triều đình và thần dân đang chờ đón ngài.

8/15/2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN PHẬT GIÁO - TÂM NHÌN


TÂM NHÌN
Xưa có một vị Tỳ kheo, cất một cái am trên một sườn núi vắng vẻ để tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một con đò qua lại. Vị Tỳ kheo muốn hạ sơn hóa đạo phải đi qua chuyến đò ấy. Kẻ đưa đò là một bà lão trên 50 tuổi, còn khỏe mạnh.
Một hôm, khách qua sông ngạc nhiên thấy kẻ đưa đò không phải là bà lão nữa, mà là một thiếu nữ rất duyên dáng đẹp đẽ, dung nghi trang trọng, cử chỉ thanh cao. Hỏi ra mới hay rằng, người con gái ấy không biết người ở xứ nào, một ngày nọ, tới xin bà lão ở trọ và giúp bà một tay đưa khách qua sông. Thấy nàng xinh đẹp, lại đoan trang, bà lão vô cùng thương mến.
Từ đó, khách sang thăm thầy Tỳ kheo ngoạn cảnh mỗi ngày một đông. Có lẽ ai cũng thích qua đò để được ngắm dung nhan giai nhân và cái vẻ thướt tha mềm mại của tay ngà đưa mái chèo nhẹ trên mặt nước. Thầy Tỳ kheo thỉnh thoảng có việc phải hạ sơn, cũng qua đò. Nhưng có điều lạ, khi qua bên kia sông rồi, khách chỉ trả có một tiền, cô gái đòi thầy phải trả hai tiền. Vị Tỳ kheo ngạc nhiên hỏi vì sao lấy đắt hơn. Cô gái cười nói: Mọi người qua đò chỉ có qua đò thôi. Còn thầy, ngoài việc qua đò, thầy còn ngắm tôi nữa nên phải trả gấp đôi. Không lý cãi cọ lôi thôi với cô gái, vị Tỳ kheo đành phải chịu trả cho cô hai tiền.
Lần sau, có việc phải xuống núi. Vị Tỳ kheo bước xuống đò không dám nhìn cô gái mà úp mặt xuống lòng đó. Đến bến, mọi người lên trả tiền đò, đến lượt thầy, cô gái bắt trả gấp bốn lần. Thầy Tỳ kheo hỏi:  Lần trước, cô bảo tôi qua đò nhìn cô nên phải trả gấp hai, nay tôi không hề nhìn cô mà chỉ úp mặt xuống đò, tại sao cô đòi gấp bốn lần? Cô gái nói rất nghiêm trang: “Mấy lần trước, thầy chỉ dùng mắt dùng nơi mặt và bên ngoài của tôi. Hôm nay thầy dùng tâm và nhìn hết toàn thân bên trong của tôi nên phải trả gấp bốn lần”. Nghe xong, thầy Tỳ kheo phát lên cười và hình như có sở ngộ. Ngoảnh lại cô gái đò đã biến đi đâu mất. Từ đó, chỉ còn bà lão đưa khách sang sông.

8/12/2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN PHẬT GIÁO - ĐỐI THOẠI THIỀN


ĐỐI THOẠI THIỀN

Các Thiền sư huấn luyện các Chú Tiểu tự diễn tả ý nghĩ của các chú. Hai ngôi đền Thiền, mỗi bên có một Chú Tiểu hầu cận. Một chú buổi sáng đi hái rau, gặp chú kia giữa đường.

Chú thứ nhất hỏi:

-          Anh đi mô rứa?

Chú kia đáp:

-          Ta đi mô bàn chân ta bước.

Câu trả lời làm chú thứ nhất rối óc, chú về cầu thầy trợ giúp. Thầy chú bảo: Sáng mai, khi con gặp anh bạn nhỏ của con, hãy hỏi hắn lại câu đó. Hắn sẽ trả lời câu đó, rồi con hỏi tiếp: “Giả như anh không có chân thì anh đi mô?” Hắn sẽ chịu ngay.

Sáng hôm sau khi hai chú gặp nhau. Chú thứ nhất hỏi:

-          Anh đi mô rứa?

Chú kia đáp:

-          Ta đi nơi mô gió thổi.

Câu trả lời này làm bù đầu chú thứ nhất, chú kia đã đánh bại cả bậc thầy chú. Ông thầy lại mớm ý: “Hãy hỏi hắn đi mô nếu không có gió?”

Ngày hôm sau, hai chú lại gặp nhau lần thứ ba. Chú thứ nhất hỏi:

-          Anh đi mô rứa?

Chú kia đáp:

-          Ta đang đi chợ mua rau.

8/07/2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN PHẬT GIÁO - CON DAO TRONG TÂM


CON DAO TRONG TÂM

Ngày xưa ở thành Xá Vệ nước Ấn Độ , đức Phật đến hóa độ cho một gia đình kia, hai vợ chồng đều có tánh tham lam độc ác, không biết tôn trọng đạo đức. Ngài liền hóa một vị đạo nhân, mang bình bát đến khất thực. Lúc ấy người chồng đi vắng, người vợ ở nhà, thấy vị đạo nhân vào liền mắng chửi ầm lên. Vị đạo nhân hiền từ nói: Tôi là người tu hành, chỉ xin ăn mà tự sống. Lòng chỉ mong gia chủ cho bát cơm để đỡ lòng, cớ sao lại mắng chửi đôi đủ điều thậm tệ như vậy. Người vợ tức giận hết ngược lên, thì vừa người chồng về, trong tay sẵn cầm con dao bén, chẳng nói chẳng rằng, người chồng lặng lẽ xông tới, định chém vị đạo sĩ. Bỗng một bức thành bằng pha lê hiện lên, bao bọc người đạo sĩ, bức thành trong sáng, kiên cố, không có cửa, người chồng đến xô đập, đâm chém đủ cách cũng không sao chuyển được. Người chồng liền nói: Ông hãy mở mau cho tôi vào với. Vị đạo sĩ trả lời: Được, nhưng ông hãy quăng con dao bén đi đã. Người chồng tự nghĩ: Mình to lớn thế này, còn người đạo sĩ bé nhỏ thế kia, mình dùng hai tay không cũng đủ giết chết vị ấy trong giây lát. Nghĩ đoạn, liền quăng con dao bén đi xa, nhưng sao bức thành pha lê vẫn nguyên như cũ, người chồng tức giận hét lên: Tôi đã quăng con dao bén đi rồi sao ông không chịu mở cửa cho tôi vào. Vị đạo sĩ đáp: Không, tôi không có nói ông quăng con dao bén trong tay ông, tôi muốn ông quăng con dao bén trong tâm ông kia mà. Người chồng giật mình kinh sợ, nhận thấy vị đạo sĩ thấu hiểu tâm lý thầm kín của mình, nên đã bớt độc ác, cúi đầu lạy tạ, ăn năn hối lỗi. Bức thành pha lê kiên cố ấy bỗng biến mất, vị đạo sĩ hiện thành đức Phật, phóng muôn ánh hào quang chói sáng rực rỡ một phương trời, và ngay khi đó đức Phật thuyết pháp để hóa độ cho hai vợ chồng người ấy.

8/06/2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN PHẬT GIÁO - ĐƯỜNG LẦY


ĐƯỜNG LẦY

Có hai nhà sư cùng thong dong bước xuống một con đường lầy. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi. Đến khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh xắn trong chiếc áo Kimono và chiếc khăn quàng cổ bằng lụa, đang đứng bên lề đường vì không thể băng qua ngã tư đường lầy được. Lập tức một nhà sư bảo: “Đi nào, cô bé” tức khắc đưa tay nhấc bổng cô gái lên và đưa qua quãng đường lầy.
Nhà sư bạn của anh ta, từ đó không buồn nói một tiếng nào, cho đến khi cả hai dừng lại ở một ngôi chùa. Rồi không còn chịu đựng được nữa, nhà sư bạn lên tiếng nói với anh ta:
-          Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là với những người đàn bà trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại như vậy?
Nhà sư mỉm cười:
-          Tôi đã bỏ nàng từ chỗ đó rồi! Anh còn mang nàng theo đấy sao?

8/02/2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN PHẬT GIÁO - CÂY ĐÈN KỲ LẠ


CÂY ĐÈN KỲ LẠ

Sau lễ tiễn đưa Phật và các thầy Tỳ - kheo trở về tịnh xá Kỳ Hoàn, vua A Xà Thế cùng với đình thần trở lại nội cung để dự buổi yến thân mật và bàn một vài việc cần làm thêm trong ngày đại lễ hôm ấy.
Câu chuyện mở đầu trong bữa tiệc là những lời sau đây do vua A Xà Thế phát khởi:
-          - Các khanh! Quả nhơn rất bằng lòng và phấn khởi về việc các khanh đã lo liệu quá ư tươm tất trong buổi lễ cúng dường Phật và giáo hội vừa rồi. 
Hướng đôi mắt về phía đại thần Kỳ Bà, vua A Xà Thế nói tiếp:
-          - Kỳ Bà! Khanh ngồi nghĩ hộ quả nhơn xem còn có vật gì đáng làm nữa để quả nhơn tận hiến tấc dạ chí thành lên đức Chí tôn và giáo hội – những người tận tụy trong công việc giáo hóa chúng sinh nói chung, thân dân của quả nhơn nói riêng, trở về với ánh sáng chân lý. 
Đứng ngẫm nghĩ trong chốc lát, rồi đại thần Kỳ Bà thông thả tiếp:
-          - Tâu Đại Vương, ngoài sự cúng dường trai phạn và y phục mà Đại vương đã dâng lên đức Chí Tôn và giáo hội, theo thiển ý của hạ thần thì không việc gì có ý nghĩa hơn việc cúng dường ánh sáng. Vì ánh sáng tượng trưng cho trí tuệ, cho sự giác ngộ, ở đâu có ánh sáng thì ở đó bóng tối tan mất. Cũng như ánh sáng Phật và giáo hội đến đâu thì ở đó si ám và tội lỗi đều tiêu sạch. Ngu ý của hạ thần chỉ có bấy nhiêu, kính mong bệ hạ thẩm xét. 
-          - Hay lắm! Ý kiến của khanh rất chí lý! Tiện đây nhờ khanh thay quả nhơn sắm sửa cho thật nhiều đèn đuốc để tối nay dâng lên Phật và giáo hội tại tịnh xá Kỳ Hoàn. 
Đại thần Kỳ Bà vâng thuận. Buổi tiệc bắt đầu và tiếp diễn trong tình thân mật giữa vua và các vị cận thần.
Chiều hôm ấy, trên đường trở về xóm nghèo, một bà lão hành khách gặp rất nhiều xe cộ, lính tráng, tấp nập khuân chở những thùng dầu, đèn và những chiếc lồng đèn ngũ sắc rực rỡ. Hỏi thăm, bà lão hành khách biết đó lễ vật của nhà vua đem cúng dường Phật và giáo hội.
Hình tường nghiêm trang của Phật và các thầy Tỳ kheo lại hiện về trong óc bà. Bà vui hẳn lên và rất tán thành việc làm có ý nghĩa của nhà vua. Và xét lại tự thân, thấy mình chưa làm được một công đức nào cho Phật và giáo hôi, bà tự  nghĩ mình phải sắm vật phẩm để cúng dường mới được. Thò tay vào bị, bà lão moi ra vỏn vẹn chỉ có hai tiền. Một sự quyết định nhanh chóng trong lòng khiến bà hoan hỉ đi ngay vào một quán gần đấy…
-          - Thưa cậu! Làm ơn bán cho tôi hai tiền dầu thắp.
-          - Bà mà mua dầu làm gì? Sao không mua đồ ăn lại mua dầu, nhà cửa đâu mà dầu với đèn!
-          - Thưa cậu! Tôi thường nghe các bậc hiền nhân trong làng bảo: “Ngàn năm muôn thưở mới có một đức Phật ra đời; người nào có nhiều phước duyên lắm mới gặp”. Hôm nay tôi may mắn được gặp nhưng chưa có lễ mọn nào để dâng hiến lên Ngài. Điều ấy làm tôi vô cùng ân hận. Nhơn tiện vua A Xà Thế sửa soạn đèn đuốc để dâng lên Ngài và giáo hội, tuy nghèo khổ, tôi cũng xin nguyện đem hai tiền mới xin được đây mua dầu dâng ánh sáng lên Ngài. 
Nghe bà lão hành khách tỏ tấm lòng chân thiệt đối với Đấng Giác Ngộ, người chủ quán nhìn bà một cách cảm mến và hạ giọng: hai tiền chỉ được hai muỗng, nhưng tôi xin tặng bà ba muỗng nữa là năm, và cho bà mượn luôn vịt đèn nầy. Mong bà nhận cho.
Sau khi cám ơn người chủ quán, bà lão ra về với bao niềm hoan hỷ vì được người khác biểu đồng tình và giúp mình trong công việc phước thiện.
Trời chưa tối hẳn, những cây đèn xinh xắn, lỗng lẫy của nhà vua đã được những đội thị vệ thắp sáng. Tịnh xá Kỳ Hoàn như vui nhộn hẳn lên. Đó đây vang lừng những điệu nhạc dịu dàng, nhịp nhàng với những lời ca ngợi của những cận thần thay nhà vua tán thán công đức của Phật và giáo hội. Từng đoàn người lũ lượt đi dự lễ, đông như trẩy hội. Bà lão hành khách cũng tiến mau về tịnh xá và dừng bước trước những hoa đăng rực rỡ, bà vội vàng đến rót dầu vào cây đèn mà bà đã lau sạch và thay tim. Vừa mồi ánh sáng bà vừa phát nguyện: “Cúng dường ánh sáng này lên Đức thế tôn và giáo hội, con chỉ cầu mong làm sao con cũng sẽ được trí tuệ sáng suốt như các đấng giác ngộ trong mười phương”. Bà lại nghĩ: “Dầu ít như vậy có sáng cũng chỉ đến nửa đêm là cùng”. Nhưng mạnh dạn bà thầm nguyện: “Nếu quả thật sau này tôi sẽ được giác ngộ như lòng tôi mong muốn hôm nay, thì số dầu ít ỏi này cũng làm cho cây đèn sáng mãi không tắt”.
Sau khi treo cây đèn lên một cành cây, bà lão hành khách đi thẳng vào Tịnh xá, chí thành Lễ Phật rồi ra về…
Số đèn của nhà vua, tuy được những đội lính thay nhau lo việc châm dầu, thay tim, nhưng ít cây được ánh sáng suốt đêm, cây thì bị gió thổi tắt, cây thì bị phật cháy…
Duy cây đèn của bà lão hành khách thì ánh sáng nổi bật hơn muôn vạn cây đèn khác và cháy mãi đến sáng mà dầu vẫn khôn hao.
“Này đệ tử! Trời đã sáng, hãy ra tắt hết những cây đèn còn đỏ”, đức Phật dạy với ngài Mục Kiền Liên như thế.
Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, Nhưng đến cây đèn của bà lão hành khách, thì ba lần tôn giả quạt mạnh, nhưng ánh sáng cũng không mất. Lần thứ tư, tôn giả cầm ngay vạt áo cà sa và vận hết thần công diệu lực của mình quạt hắt vào đèn nhưng đèn lại rực sáng hơn trước. Tôn giả Mục Kiền Liên và những người chung quanh đều ngạc nhiên cho đó là một cây đèn kỳ lạ chưa từng thấy.
Ngay lúc ấy, đức Phật vừa đến, Ngài điềm đạm bảo:
“Thôi! Đệ tử hãy thôi. Dù cho đệ tử có vận dụng cả thần lực của đệ tử cũng không thể nào làm tắt được cây đèn nầy, vì đó là ánh sáng công đức của vị Phật trong tương lai”.
Lời dạy ấy của đức Phật đã làm cho nhiều Đệ tử của Ngài muốn tìm hiểu ai là người đã cúng dường đèn ấy. Sau một cuộc điều tra kỹ càng, họ biết rõ người cúng dường cây đèn kỳ lạ ấy chính là một bà lão hành khách!
Câu chuyện đến tai vua A Xà Thế. Nhà vua cho với đại thần Tỳ Bà đến để thuật lại câu chuyện và hỏi:
-         -  Kỳ Bà! Như khanh đã biết được quả nhân làm rất nhiều công đức và cúng dường rất nhiều đèn nhưng không thấy đức Thế Tôn dạy gì về quả báo của quả nhân. Trái lại, bà lão hành khách chỉ cúng dường có một cây đèn lại được Ngài ký thọ nghĩa là sao?
Đại thần Kỳ Bà đứng lên ngần ngại mãi không dám trả lời.
-          - Kỳ Bà! Ngươi đừng ngại gì cả, quả nhân muốn tìm hiểu những khuyết điểm chứ không bao giờ dám nghĩ khác về đức Thế Tôn. 
Đôi mắt của đại thần Kỳ Bà bỗng sáng lên và khiêm tốn trả lời câu hỏi của nhà vua:
-          - Tâu đại vương! Theo những điều mà hạ thần được phỏng văn từ miệng của những người thân cận các thầy Tỳ kheo và cộng thêm sự suy luận của hạ thần thì tuy đại vương cúng dường rất nhiều phẩm vật, song tâm ý không được chí thành cho lắm và có lẽ đại vương không phát đại nguyện; cho nên tuy có công đức mà không làm sao bằng công đức của bà lão hành khất chỉ cúng dường một cây đèn nhưng đó là cả một tấm lòng chí thiết, một dạ chí thành đối với những đấng Giác ngộ và nhất là lời thiện nguyện cao rộng của bà ấy. 
Nghe đại thần Kỳ Bà phân tích tỷ mỉ về động cơ của sự cúng dường của mình và của bà lão hành khất, sau một hồi suy nghĩ và xét lại bản tâm, vua A Xà Thế liền cởi mở được tất cả những điều thắc mắc.
“Công đức cúng dường không đánh giá nơi phẩm vật, mà căn cứ nơi sự thành tâm”.