BÀ CHÚA XỨ
Thưở xưa, có một anh chàng xấu xí, con nhà nghèo, thất học,
phải sinh sống bằng nghề khuân vác mướn ngoài chợ. Người ta gọi anh bằng “Thằng
Bu”.
Bu làm việc siêng năng, giỏi giắn, nên cuộc sống của anh
không lấy gì làm chật vật cho lắm. Có điều anh rất buồn, chung quanh chẳng ai
coi trọng, nể vị anh hết. Cũng như hầu hết mọi người, anh cũng thèm thuồng quyền
uy, lòng ái mộ, khát ngưỡng của đồng loại. Mặt mũi anh đã khống thuộc loại đẹp
trai, anh lại không có một làn hơi thiên phú để ca vọng cổ hay tân nhạc nên anh
không thể tiến thân bằng con đường văn nghệ. Anh lại tứ cố vô thân, không tiền
của nên khó mà mua dan vọng chức tước. Chữ nghĩa thì lại chẳng bằng ai… Vậy thì
phải làm cách nào cho thiên hạ ngán mình đây? Suy nghĩ suốt ngày đêm, chàng Bu
chợt nảy ra một sáng kiến. Một hôm, sau vài ly ba xi đế, Bu đến ngồi trước miễu
bà Chúa Xứ, một vị thần không được thiêng cho lắm, nên nhang tàn khói lạnh, mỗi
năm chỉ được người ta cũng cho một lần.
Bu đến trước cửa miễu, ngồi lắc lư, ợ ngáp liên hồi… Ban đầu
chỉ có bọn trẻ con tụ tập xung quanh anh, sau đó có các bà con vô công rồi nghề,
dần dần có đến cả hội đồng bô lão của làng nữa. Người ta nhìn nhau thì thầm: “Bà
về! Bà về!”.
Vài mụ đàn bà góp ý, vàng hương hoa quả được mang đến, và
chàng Bu nghiễm nhiên thành cái xác của bà Chúa Xứ. Từ đó, Bu không còn phải đi
khuân thuê vác mướn nữa, người ta gọi anh bằng “Bà” bằng “Ngài” xúm xít cười vả
lả để đón rước những lời nũng nịu, ỏng ẹo thoát ra từ đôi môi xám xịt của Bu.
Anh mặc áo lụa, quần sa-teng trắng, đi hài cườm, thoa son phấn và đồ trang sức.
Một tháng sau, Bu đã có vô số người ái mộ. Những kẻ trước
kia chỉ dòm Bu bằng nửa con mắt, bây giờ lại kính cẩn lễ bãi, đón nhận từng mệnh
lệnh của anh. Người ta đến xin bùa phép của anh để mua may bán đắt, để được
sanh con trai, con gái, đánh đề, đánh bạc, đua ngựa, đá gà v.v… và v.v…
Bởi vì Phật và chư vị Bồ Tát thường ít khi chịu khó chiều
lòng những tham vọng ấy của chúng sanh, thánh thần thì bận thưởng thiện phạt
ác, ma quỷ thù đòi ăn hối lộ… Duy có Bu là không đòi hỏi gì hết, ngoài việc ước
mong được thiên hạ chiều chuộng, tâng bốc, vuốt ve lòng tự ái của mình.
Ba tháng trôi qua… những cuộc lên đồng, cầu đảo bất kể ngày
đêm đã khiến Bu xuống sắc rõ rệt. Lớp son phấn dầy cộm không che khuất đôi mắt
đầy quầng đen. Càng đông người tín mộ, anh càng phải lên đồng thật xuất sắc.
Anh không còn đủ thì giờ để ăn uống ngủ nghỉ. Những lúc mệt quá, anh cũng muốn
nghỉ ngơi để trở lại đời sống bình thường của anh.
Nhưng lúc ấy thì phải trở lại chấp nhận cái bản thân tầm thường
thấp kém của anh Bu khuân thuê vác mướn, một điều mà anh muốn chối bỏ. Anh phải
chịu đựng những ánh mắt lạnh nhạt, khinh bỉ… của người chung quanh, người ta sẽ
lại gọi anh bằng “thằng”, bằng “mày”. Vì thế, dù mệt mỏi, anh phải đồng hóa
mình với bà Chúa Xứ, một nhân vật do dân cư trong vùng lập ra và tôn thờ, chỉ
ăn hương, uống hoa, sống bằng giọng đàn tiếng địch, cùng lời xưng tụng của người
chung quanh.
Lời bàn:
Số phận của anh chàng Bu này sẽ ra sao? Điều này hoàn toàn
phụ thuộc vào nơi anh. Nếu Bu khám phá ra rằng chính mình là nạn nhân của trò
chơi lên đồng ấy, rằng sau những lúc trà thiu rượu nhạt… anh cũng phải trở về đối
mặt với con người của anh, một anh Bu tầm thường, vô danh tiểu tốt. Nếu anh nhận
thấy rằng, anh đang bày trò điên loạn; trong cảnh giới cuồng điên đó anh đã được
sự tán tụng của người điên khác; và nhất là những tham vọng hão huyền đó cũng
chẳng thú vị gì cho lắm, thì tại sao anh không trở về với anh Bu khuân vác thường
ngày? Dù không được nể vì kính trọng của thiên hạ, ít ra anh cũng có cái thế giới
tỉnh táo chân thật của một con người tầm thường và bình thường.
Mặt khác, nếu anh không thể chấp nhận con người chân thật của
mình thì anh cứ bám lấy cái vỏ của bà Chúa Xứ, bôi son trét phấn, hò hét, ban
phúc, giáng họa cho được đông người ái mộ. Tín đồ càng đông thì bà càng phải
thiêng… Và nếu bà Chúa Xứ không còn hợp thời trang nữa thì anh có thể đổi danh
hiệu thành bà Ngũ Hành – Cửu Thiên Huyền Nữ, hoặc là cô hay cậu nào đó. Nước đời
lắm chìm, nhiều nổi, chúng ta chỉ có thể đoán chắc một điều là, giữa lớp danh vọng,
hư huyễn, phù hoa đó, anh chàng Bu sẽ chết dần, chết mòn, thể xác mệt mỏi, tinh
thần điên đảo… Nếu trò chơi cứ tiếp tục thì chung cuộc anh sẽ vào nhà thương
dành cho bệnh tâm thần.
Câu chuyện trên đây, tôi đã đau xót viết riêng mình, nói với
em, cũng có nghĩa là tôi độc thoại cho chính mình, vì tôi không tin tưởng rằng
một cuộc đối thoại được thực sự cảm thông khi mà chúng ta mỗi người đang ngóng
về một hướng, mải miết đuổi bắt những lý tưởng tận đâu đâu….
Tôi chỉ muốn hỏi em, đã có những lúc nào em thấy mình giống
hệt anh chàng Bu trên đây không? Riêng tôi, tôi còn nhớ rất rõ ràng, thưở bé
thơ tôi rất là hồn nhiên, không rõ ràng mình là trai hay là gái, đẹp hay xấy,
giàu hay nghèo, giỏi hay dở gì hết… Tôi sống thoải mái và vô tư như một chú gà
non, thì bỗng nhiên, có lúc tôi nghe người chung quanh nhận xét rằng tôi không
đẹp bằng chị tôi, không giàu bằng nhà hàng xóm, không giỏi bằng bạn bè chung
quanh… và từ đó tôi dần dần bắt đầu cảm thấy thống khổ kịch liệt khi thấy sao
mình tầm thường quá đỗi, không có một sở trường gì để tự “lăng xê” mình, làm nổi
bật lên trước bàn dân thiên hạ. Rất nhiều đêm tôi niệm danh hiệu đức Quán Thế
Âm, cầu mong sao cho mình được đẹp, được sang, được giỏi hơn thiên hạ. Mặt
khác, tôi gắng thức khuya, dậy sớm, bỏ ngủ, quên ăn để học cho bằng bè bạn- những
người hơn cả tôi cả tài lẫn sắc, để ít ra mình cũng chứng tỏ được các khả năng
của mình rằng mình không phải là con “số không”.
Em ạ! Đó chỉ là một ví dụ, một phần rất nhỏ trong cuộc đời đủ
thức phức tạp của chúng ta. Điều khổ tâm nhất của chúng ta hằng ngày không phải
là chuyện sinh già bệnh chết – vì đó là một lý đương nhiên không ai tránh khỏi.
Chúng ta thường khốn khổ bức rức vì cái bản ngã của mình, sao mà ta nhỏ nhoi tầm
thường quá, không có tí ti nào khả ái, khả kính dưới mắt ta và người chung
quanh hết. Những lúc đối mặt với chính mình, ta phải cay đắng nhận chân rằng:
ta chỉ là một nhân vật quá mức tầm thường, một con số không to tướng. Thế là
anh chàng Bu trong ta bắt đầu tham gia vào trò “lên đồng”. Từ con số không, tùy
theo cơ hội, hoàn cảnh và nhu cầu của người ái mộ chung quanh và chúng ta sẽ
thành một cái gì đó. Mỗi người đội một danh hiệu khác nhau, nhưng cùng giống
nhau ở một điểm là: chối bỏ con người tầm thường chân thật của mình để sống với
lớp áo của những nhân vật rất mực phù hoa và giả dối.
Và em ơi! Một điều kỳ thú là chỗ chúng ta lẩn trốn, sợ hãi,
lại chính là chỗ mà các thiền sư tại ngộ: Lục Tổ há chẳng xác định một cách hung
hồn rằng “bản lai vô nhất vật” đó sao? Dưới bất cứ lớp áo và nhãn hiệu nào, em
và tôi đều phải công nhận rằng: Trong những phút giây chiếu soi nhìn trở lại
mình, ta thấy mình quả là “vô nhất vật”, nghĩa là: ta – không – là – gì – cả.
Ta không phải là bà Chúa Xứ, bà Ngũ Hành, cô hay cậu gì hết, không là gì hết,
nhưng ta vẫn “thấy, nghe, hiểu, biết” rất rõ ràng. Cái khả năng “kiến văn giác
tri” đó, chúng ta đều bình đẳng như nhau. Đây chính là chỗ mà Lục Tổ nói: “Đâu
ngờ tánh mình bản lai thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình vốn đầy đủ cả” đó em!
Khi anh chàng Bu không còn lên đồng nữa, không còn là ông nọ
bà kia thì không phải là anh ta chết, mà anh ta chỉ mất: mất hết những gì giả
dôi, không phải là mình thôi.
Nếu em thấy rằng “bà đồng” của mình còn hãy “thiêng” lắm và
thà rằng em đội lốt, mang mặt nạ, chìu theo thị hiếu của bàn dân thiên hạ để được
thờ phụng tung hô và được vô vàn quyền lợi phụ tùng khác thì em cứ tiếp tục.
Không có ai, sẽ không có ai dám lên án chỉ trích em đâu! Vì lên án một bà đồng
cũng có nghĩa là lên án luôn cả quần chúng đang ái mộ, và ai mà dại gì đứng ra
chọc giận thiên hạ nhiều như thế. Em có thể yên tâm và tiếp tục.
Nhưng, nếu có hôm nào, quá mệt mỏi với cái trò chơi xốc nổi ấy,
mặt nhìn tận mặt, soi ại lòng mình giữa cảnh hoang tàn của trà ôi, rượu nhat,
hoa héo, hương phai; nhìn thấy người chung quanh cũng chán chường, mệt mỏi
không kém mình, thì, em hãy thử một lần, làm sống lại con người năm xưa của
chính mình, của anh chàng Bu khuân vác thử xem. Điều này đòi hỏi nơi em rất nhiều
can đảm và hy sinh, vì em sẽ mất hết uy danh, quyền lợi, mất hết những người ái
mộ cung nghinh, em sẽ bị xem thường, khinh rẻ; em sẽ phải hy sinh hết vàng song
phấn sáp, danh lợi cùng uy quyền, để đi may thuê, cuốc mướn, phải đổ mồ hôi, nước
mắt mới có ăn.
Thế nhân thường đi tìm sự thật, nhưng sự thật lại quá phũ
phàng, không giống như ta hằng mơ tưởng, nên thà rằng, cứ nhắm tít mắt lại để
còn có một thế gian hoa mộng, huyền ảo, mê ly.
Câu chuyện này xin dừng lại nơi đây, vì tôi bất chợt nhận ra
rằng, dường như tôi đang lên một đồng xuất sắc hơn, hợp thời trang hơ… và thông
thường, đôi khi ta ngỡ rằng mình đã thức dậy, đi ra khỏi cơn mơ, nhưng sau đó
thật lâu ra mới vỡ lẽ ra rằng mình chỉ thay đổi tình tiết của giấc mơ mà thôi. Và
điều làm chúng ta thấy mình đang lên đồng thật xuất sắc là khi có một hành động
nào đó của ta bỗng dung có được nhiều người vỗ tay tán tụng; khi mà từ cái “không”,
ta trở thành “có”, và cái “có” này ngày càng bành trướng nẩy nở ra. Chính những
tràng pháo tay đã báo hại chúng ta không ít, nó xui ta cứ tiếp tục… chiêm bao,
để được khen hoài, khen mãi, em có thấy như vậy không?
Hèn chi trong kinh Duy Ma Cật, Bồ Tát khuyên ta cứ làm việc
đi, làm mọi việc để được lợi mình và lợi người, nhưng phải lam sao để cả “tam
luân” đều “không tịch” nghĩa là không thấy có mình, có người và có pháp nữa, chỉ
đem thân huyễn mà làm việc duyễn (dĩ huyễn thân tác huyễn sự) mà thôi. Các Ngài
khôn quá, phải không?
Dầu
tại bãi chiến trường thắng ngàn ngàn quân địch, tự thắng mình khó hơn chiến thắng
ấy tối thượng.